Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường
Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng tại phiên họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình Quý III năm 2022
Ngày 05/10/2022, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình tổ chức phiên họp Ban Chỉ đạo, do đồng chí Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì. Tham dự phiên họp có đồng chí Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo; Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và các đơn vị có liên quan.
Sau khi nghe Sở Thông tin và Truyền thông trình bày Báo cáo tình hình triển khai chuyển đổi số Quý III và nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2022, nghe các ý kiến tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu dự họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận:
Trong Quý III năm 2022, công tác chuyển đổi số của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các mặt lĩnh vực; trong đó, ghi nhận và đánh giá cao một số kết quả nổi bật sau:
- Các sở, ban, ngành, địa phương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số đề án, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của tỉnh; chủ động bám sát các chủ trương, định hướng của tỉnh để triển khai thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Công tác truyền thông, phổ biến, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được đẩy mạnh, tạo đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị.
- Về đẩy mạnh xây dựng Chính quyền số: Đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường tỉnh và thành lập Đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Đề án 06. Các địa phương đã tích cực chỉ đạo thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo/ Tổ triển khai chuyển đổi số cấp xã và Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, gắn với Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Hoàn thành đưa vào ứng dụng phân hệ chức năng Kho quản lý dữ liệu điện tử TTHC trên Cổng dịch vụ công. Tiếp tục triển khai cập nhật, hoàn thiện một số cơ sở dữ liệu (CSDL), hệ thống phần mềm dùng chung; gắn với phục vụ việc tích hợp, kết nối với CSDL quốc gia về dân cư.
- Về phát triển kinh tế số và xã hội số: Đã chỉ đạo phổ biến, quán triệt thực hiện Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, đẩy mạnh cấp Căn cước công dân (CCCD), mã định danh công dân và đăng ký tài khoản định danh điện tử. Tiếp tục thử nghiệm, hoàn thiện các giải pháp xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và Hệ thống phần mềm dùng chung Tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường của tỉnh.
- Nhiều sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, xã hội số như: Công an tỉnh, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Thuế… Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã tăng cường tiếp cận, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số, hình thành dần các mối quan hệ mới trong môi trường số, các thói quen số để tiến tới văn hóa số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của tỉnh vẫn đang còn một số tồn tại: Nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở cấp huyện, cấp xã vẫn còn hạn chế. Lực lượng cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về công nghệ thông tin của các ngành, cơ quan, đơn vị còn quá mỏng, năng lực tham mưu, tổ chức triển khai, thực hiện chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng mạng kết nối internet băng rộng tại một số địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được phủ toàn diện, chưa bảo đảm chất lượng. Hạ tầng thiết bị, máy tính, kết nối mạng tại nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu, xuống cấp, cấu hình và hiệu năng sử dụng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các hệ thống phần mềm dùng chung, nhất là trong triển khai Đề án 468, Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Ứng dụng công nghệ số tại nhiều cơ quan, đơn vị thiếu chiều sâu, chưa thực sự quan tâm đến số hóa dữ liệu và đổi mới quy trình làm việc, cách thức phục vụ. Các CSDL cơ bản chuyên ngành chậm được đầu tư xây dựng, gây khó khăn cho việc phát triển CSDL dùng chung, CSDL mở của tỉnh. Hiệu quả công tác hướng dẫn, trợ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao; tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến chưa đạt chỉ tiêu 100%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến nhiều dịch vụ công chưa đạt chỉ tiêu 20%. Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công về chuyển đổi số còn chậm. Kết quả hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số, khai thác tài nguyên dữ liệu số chưa cao.
Để thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong Quý IV năm 2022 như sau:
1. Các sở, ban, ngành, địa phương:
- Tổ chức rà soát, triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao trong năm 2022, kết hợp thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tổng thể, dài hạn giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chủ động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ Trung ương và các tỉnh bạn để xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 trước ngày 30/11/2022, gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, tham mưu Kế hoạch năm 2023 của tỉnh.
- Rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị công nghệ và hạ tầng kết nối internet băng rộng, nhất là tại bộ phận một cửa. Đẩy mạnh cung cấp và hướng dẫn, trợ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; bảo đảm đến hết năm 2022, hoàn thành tỷ lệ TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của từng dịch vụ công từ 20% trở lên.
- Nghiên cứu định hướng, nội dung nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chuyên ngành của Bộ, ngành Trung ương và yêu cầu thực tiễn tại địa phương để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đưa vào chương trình, kế hoạch triển khai các nền tảng hệ thống thông tin, CSDL quan trọng, tiến tới bảo đảm hạ tầng nền tảng số, dữ liệu số phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.
- Chủ động triển khai các hoạt động dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số trong từng ngành, lĩnh vực và trên địa bàn quản lý. Phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng quản trị, kinh doanh và đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động. Tiếp tục triển khai hiệu quả các Chương trình quốc gia và của tỉnh về hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử...
- Tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ chuyên ngành và Sở Thông tin và Truyền thông triển khai cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở về công dân số, kết nối số và văn hóa số. - Tiếp tục bám sát và thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; xác định đây nhiệm vụ trọng tâm của công tác chuyển đổi số để mang lại các tiện ích cho người dân. Các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo chỉ đạo đẩy mạnh công tác “làm sạch” dữ liệu thông tin dân cư để tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cấp huyện, cấp xã tập trung tuyên truyền về lợi ích thiết thực của việc cấp CCCD gắn chíp và mã định danh công dân, đăng ký tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ công. Phấn đấu tiến độ cấp CCCD gắn chíp trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/12/2022 đạt tỷ lệ 100% công dân đủ điều kiện được cấp theo quy định. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở, sử dụng tài khoản định danh điện tử. Triển khai áp dụng rộng rãi hình thức xác thực mới bằng tài khoản định danh điện tử theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP và Đề án 06 trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
2. Sở Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò tham mưu của cơ quan thường trực, phối hợp các thành viên Ban Chỉ đạo:
- Rà soát các nhiệm vụ về chuyển đổi số năm 2022 do Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao cho tỉnh, các chỉ tiêu, nội dung đã đề ra trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chỉ đạo, đôn đốc hoàn thành đúng tiến độ; đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu dự thảo Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số của tỉnh năm 2023.
- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách. Đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng, tập huấn và hướng dẫn, hỗ trợ xử lý các tình huống trong hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì phối hợp với UBND thành phố Đồng Hới, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước cấp tỉnh tổ chức triển khai thí điểm Hệ thống phần mềm Tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường của tỉnh tại thành phố Đồng Hới từ tháng 10/2022, tiến tới mở rộng ứng dụng trên toàn tỉnh từ đầu năm 2023. Xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian hoàn thành các giải pháp xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/11/2022.
- Xúc tiến thực hiện hạng mục Dự án xây dựng hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng và phòng chống mã độc tập trung giai đoạn 1 để đưa vào khai thác, ứng dụng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục đầu tư giai đoạn 2022-2023 của Dự án Chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025. Khẩn trương rà soát Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để tham mưu điều chỉnh chủ trương, danh mục đầu tư và thiết kế cơ sở các hạng mục đầu tư giai đoạn 2023-2025, theo hướng điều chỉnh, bổ sung các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng của Chính quyền số, đô thị thông minh đã được Chính phủ chỉ đạo ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp và thúc đẩy ứng dụng.
- Hàng quý, tổng hợp các kết quả, chỉ tiêu, sản phẩm cụ thể để đánh giá hiệu quả, mức độ hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh để báo cáo (theo hình thức phụ lục) phục vụ các phiên họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh.
3. Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án 468 và Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai Đề án nâng cấp nền tảng công nghệ, kỹ thuật của Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã được phê duyệt.
4. Công an tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 18/02/2022 về triển khai thực hiện Đề án 06; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng và lộ trình thời gian quy định theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1831/UBND-KSTT ngày 03/10/2022; phấn đấu đến ngày 31/12/2022 đạt tỷ lệ 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh được cấp CCCD gắn chíp.
5. Sở Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Du lịch tỉnh và cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thúc đẩy ứng dụng Nền tảng số quản trị và kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh Du lịch trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và Kế hoạch số 1011/KH-UBND ngày 10/6/2022 của UBND tỉnh; hoàn thành, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 30/11/2022.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Quảng Bình, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp về chuyển đổi số để tạo sự lan tỏa, hưởng ứng trong toàn xã hội.
7. Về triển khai các hoạt động truyền thông Ngày Chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh theo Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2619/QĐ-UBND ngày 27/9/2022 và Kế hoạch số 1767/KH-UBND ngày 27/9/2022 của UBND tỉnh: Đây là sự kiện quan trọng để đất nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng bước vào thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 một cách toàn diện, mạnh mẽ, chiến lược. Vì vậy yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xem đây là ngày hội lớn của toàn dân về chuyển đổi số; khẩn trương tập trung tổ chức tốt các hoạt động, sự kiện, phát hành các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền đến toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người dân và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của đất nước trên tinh thần “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Văn phòng UBND tỉnh thông báo kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh để các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện.
Nguồn: Thông báo số 4061/TB-VPUBND ngày 07/10/2022
- Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh (04/10/2022)
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (24/08/2022)
- Phát động Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia – Viet Solutions” năm 2022 (11/08/2022)
- Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường (19/07/2022)
- Nghị định Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng (29/06/2022)
- Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai vận hành thử nghiệm phần mềm Xác minh thông tin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (10/05/2022)
- Đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, tiến tới chuyển đổi số toàn diện ngành TN&MT (06/01/2022)
- Tập trung phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh năm 2020 (25/10/2021)
- Công nghệ viễn thám - Công cụ hữu ích trong điều tra trượt lở đất đá ở miền núi (27/09/2021)
- Thủ tướng đốc thúc xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (11/03/2021)