Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường
Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch tổng thể lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2040
Ảnh minh họa
Theo Dự thảo, “Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” gồm sáu phần. Nội dung chính của Dự thảo Quy hoạch cụ thể:
Về quan điểm phát triển, phần này quy định về quan điểm chung, cơ bản, xuyên suốt trong toàn bộ nội dung của Quy hoạch, gồm năm (05) quan điểm như: (1) Phát triển đồng bộ, hiệu quả lĩnh vực viễn thám thông qua việc phát huy các nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; (2) Phát triển lĩnh vực viễn thám đạt trình độ công nghệ hiện đại tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới trên cơ sở tận dụng tối đa các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa ứng dụng công nghệ viễn thám trở thành công cụ cơ bản, được sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng - an ninh; (3) Hoàn thiện thể chế, pháp luật; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về viễn thám; (4) Hệ thống thu nhận dữ liệu viễn thám phải đảm bảo tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại và toàn diện; là một hệ thống mở, liên tục được bổ sung, nâng cấp và hoàn thiện, được kết nối và chia sẻ dữ liệu viễn thám từ Trung ương đến địa phương; (5) Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia bảo đảm lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực, có tính kế thừa, tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ kỹ thuật hiện có, tăng cường năng lực theo từng giai đoạn năm (05) năm.
Về mục tiêu phát triển, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch phát triển tổng thể lĩnh vực viễn thám hướng đến tính hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trên cơ sở đó, đưa ra các mục tiêu cụ thể ứng với từng giai đoạn: từ nay đến 2025, từ năm 2026 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040.
Về định hướng phát triển, phần này được chia thành từng giai đoạn: từ nay đến 2025, từ năm 2026 đến năm 2030, bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám; phát triển nguồn nhân lực; đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám (bao gồm vệ tinh viễn thám, công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu viễn thám, hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu viễn thám và mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám); xây dựng, cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu viễn thám; phát triển ứng dụng viễn thám tại các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới phục vụ giám sát và dự báo trong ngành tài nguyên môi trường, nông nghiệp, lâm nghiệp, phòng chống thiên tai; khuyến khích nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; thúc đẩy nâng cao nhận thức cộng đồng, chuyển giao công nghệ.
Đối với các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn ưu tiên đầu tư, để thực hiện các nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2040, cần thiết thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực viễn thám. Các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn được phân công cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trên phạm vi cả nước.
Các giải pháp thực hiện Quy hoạch được tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng hiệu quả về tài chính, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và ưu tiên phát triển nguồn nhân lực.
Nguồn lực thực hiện, phần này thể hiện nội dung về các nguồn kinh phí được sử dụng để thực hiện Quy hoạch gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn huy động khác. Phần này cũng có các quy định, định hướng trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực viễn thám.
Kèm theo Dự thảo Quy hoạch là Phụ lục danh mục các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn ưu tiên thực hiện.
Nguồn: monre.gov.vn
- Xây dựng, phát triển và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia Việt Nam (13/11/2018)
- Xây dựng Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 (14/09/2018)
- Đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ về hoạt động viễn thám (17/07/2018)
- Xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ (11/07/2018)
- Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ (15/06/2018)
- Luật Đo đạc và Bản đồ - Bước đột phá trong hoàn thiện thể chế chính sách và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 (06/06/2018)
- Hoạt động đo đạc, bản đồ trong phân giới cắm mốc và bảo vệ chủ quyền quốc gia (28/11/2017)
- Hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh (23/11/2017)
- Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạt động điều tra cơ bản lĩnh vực đo đạc và bản đồ (05/09/2017)
- Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội và Bộ TN&MT thảo luận dự án Luật Đo đạc và Bản đồ (21/08/2017)