Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh

Post date: 16/04/2021

Font size : A- A A+
Thực hiện Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, văn bản pháp luật có liên quan, thời gian qua, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được triển khai đúng trình tự, thủ tục quy định. Nội dung các văn bản đã cụ thể hóa tình hình thực tiễn của địa phương và phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên, qua đó tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, hoạch định, triển khai các kế hoạch trong lĩnh vực biển và hải đảo, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác sử dụng tài nguyên biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch thực hiện trong chương trình trọng tâm công tác biển đảo giai đoạn 2018 - 2020; triển khai thực hiện Nghị định số 51/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT ngày 07/12/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển; đồng thời tiến hành thống kê, tổng hợp thông tin thực trạng sử dụng khu vực biển nhằm phân loại hoạt động sử dụng biển để thu tiền sử dụng khu vực biển; tham mưu ban hành mức thu tiền sử dụng khu vực biển đối với từng hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển năm 2019.

Trong công tác quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, không gian vùng bờ của tỉnh được sắp xếp, phân định thành 11 loại vùng ưu tiên theo Quyết định số 5186/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 là cơ sở cho việc hoạch định việc khai thác tài nguyên biển hợp lý, hiệu quả. Nhìn chung, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành và được thực hiện theo quy định, tài nguyên biển thực sự đã đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Để ngày càng đáp ứng được nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, địa phương tiến hành quy hoạch phân vùng đất các bãi tắm, điểm vui chơi giải trí công cộng bền vững vùng ven biển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, nhất là những dự án trọng điểm du lịch vùng ven biển tạo sự phát triển bứt phá như: Quần thể Resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Trung tâm Thương mại Vincom của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup, sân golf Bảo Ninh - Hải Ninh, Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa - Đảo Yến của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh...

Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy sản và nuôi trồng thủy sản vùng ven biển thông qua việc thực hiện chính sách phát triển thủy sản, khuyến khích, hỗ trợ khai thác và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa. Kết quả, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đóng mới 268 tàu, cải hóa 388 tàu, nâng tổng số tàu cá khai thác xa bờ là 1.207 tàu với tổng công suất 725.189 CV được trang bị đầy đủ ngư cụ, thiết bị khai thác, thông tin liên lạc phù hợp với ngư trường. Sản lượng khai thác thủy hải sản cũng liên tục tăng, cụ thể: Năm 2019 là 69.400 tấn, tăng 25.400 tấn so với năm 2016; diện tích, sản lượng nuôi cũng tăng mạnh trong năm 2020 với diện tích 6.420 ha và đạt sản lượng 12.400 tấn.

Là một trong những tỉnh có vùng biển rộng và bờ biển dài trở thành điều kiện cho phát triển kinh tế hàng hải, dịch vụ cảng biển, hiện nay, Cảng biển Quảng Bình gồm có 04 bến cảng: Cảng Gianh, bến cảng xăng dầu sông Gianh, cảng Hòn La và bến cảng Thắng Lợi với gần 600m cầu cảng tiếp nhận tàu trọng tải từ 1.000 - 20.000 tấn; 04 khu chuyển tải tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn. Trong những năm qua, các chỉ tiêu về cảng biển đều tăng trưởng mạnh, số lượng hàng hóa và lượt tàu qua cảng đều tăng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt trung bình 3,5 triệu tấn/năm. Trên địa bàn có 03 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá vào hoạt động, gồm khu neo đậu tránh trú bão cửa Roòn, cửa Gianh và Nhật Lệ và 02 cảng cá là cảng cá Nhật Lệ và cảng cá sông Gianh đã giải quyết, đáp ứng một phần nhu cầu bốc dỡ hàng hóa, dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân và đang xây dựng bến chợ thủy sản Quảng Phúc, khu neo đậu tránh trú bão Bắc Sông Gianh. 02 cảng cá loại 2 là sông Gianh, Nhật Lệ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định đủ điều kiện để xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác tạo điều kiện cho tàu có chiều dài từ 15m vào bốc dỡ thủy sản khai thác.

Đối với khai thác năng lượng tái tạo vùng ven biển, hiện nay, các nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát và triển khai đầu tư nhiều nhà máy điện tái tạo tại khu vực ven biển tỉnh như: Dự án Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy 49,5MW; Dự án Điện mặt trời 50MW của Tập đoàn Sơn Hải; Dự án Trang trại điện gió 250MW của công ty B&T Windfarm… sẽ góp phần đảm bảo nhu cầu về điện để phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển của tỉnh.

Thực hiện Điều 79 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, UBND tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng và triển khai Dự án Điều tra, khảo sát, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn. Đến nay, Dự án đã công bố danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và đang trình phê duyệt chiều rộng khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm tăng cường công tác quản lý, quy hoạch, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên vùng ven biển, bảo tồn, bảo vệ và duy trì dịch vụ của các hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên vùng bờ, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Mặc dù công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển trên địa bàn tỉnh bước đầu được quan tâm nhưng do nguồn lực hạn chế, chưa thực hiện việc điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên, môi trường biển nên số liệu về tài nguyên biển thiếu đầy đủ. Nhân lực quản lý về lĩnh vực biển, hải đảo còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm. Cơ sở kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện và kinh phí còn thiếu để triển khai hoạt động về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo ở địa phương đạt hiệu quả chưa cao. Vấn đề phân công, phân cấp trong quản lý Nhà nước về môi trường biển chưa hợp lý, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan bị chồng chéo, nhiều quy định của pháp luật còn thiếu tính khả thi, không phù hợp với tính đặc thù của quản lý tổng hợp, thống nhất các vấn đề về biển, hải đảo nên còn nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện...

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực biển và hải đảo, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh nhận thức cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển, khai thác tài nguyên biển; rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách về biển theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều kiện thực tiễn của tỉnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển; tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức, vận hành hiệu quả tổ chức quản lý tổng hợp, thống nhất về biển; tăng cường cơ sở vật chất, năng lực quản lý Nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo.

Đặc biệt, địa phương cũng sẽ ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển như du lịch biển, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, năng lượng tái tạo, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm…; đồng thời huy động nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư khai thác nguồn tài nguyên biển trên địa bàn tỉnh.

Theo: Minh Huyền

Nguồn tin: quangbinh.gov.vn

More

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 101

  • Hôm nay 1898

  • Tổng 5.886.149